HỘI THẢO KHOA HỌC

Ngày đăng: 08/06/2022

       Sáng ngày 04/6/2022, Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và kỹ năng trình bày báo cáo sáng kiến kinh nghiệm”.

 

 

       Tham dự Hội thảo có: PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm – Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa Bộ Công thương; TS. Ngô Mạnh Dũng – Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐHQG TPHCM; Thầy Hồ Hoài Nam – Phó trưởng phòng QLKH & HTQT cùng các cán bộ, viên chức, người lao động Trường Cao đẳng Công thương TPHCM

 

 

Tại Hội thảo, thầy Hồ Hoài Nam – Phó trưởng phòng QLKH&HTQT Trường Cao đẳng Công thương TPHCM đã phát biểu về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu và viết SKKN  đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường. Công tác nghiên cứu và viết SKKN hiện đang được xem là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Hơn nữa, các mạng 4.0 đã và đang mang đến sự thay đổi trong đời sống. Mỗi cá nhân đều có cơ hội để khởi nghiệp thông qua sự kết nối khắp mọi nơi trên thế giới.

 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe nhiều tham luận và tích cực trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu và viết SKKN nói chung và của Nhà trường nói riêng. Các ý kiến trao đổi đa dạng, nhiều chiều, không chỉ đề cập tới vai trò của công tác nghiên cứu và viết SKKN đối với viên chức, người lao động mà còn giới thiệu những kinh nghiệm trong việc xác định nội dung, yêu cầu, phương thức, cách thức nghiên cứu và thể hiện sản phẩm khoa học.

 

 

Cô Phương Thị Hệ - Phòng QLKH & HTQT, cô Nguyễn Thúy Hạnh – TT Khảo thí & ĐBCL qua bài tham luận của mình đã trình bày thực trạng cũng như những thuận lợi và khó khăn trong công tác nghiên cứu và viết SKKN của viên chức nhà trường trong thời gian qua. Hiện tại, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu nhiều đề tài, tuy nhiên nhiều nhóm nghiên cứu chưa chú trọng đầu tư gia công, nâng tầm kết quả nghiên cứu của mình. Do đó, chưa thực sự tạo sự lan tỏa rộng rãi các thành tựu nghiên cứu của Nhà trường cũng như hạn chế tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu này…

 

 

Một trong những hạn chế cần khắc phục nữa là về trình độ ngoại ngữ. Một bộ phận viên chức, người lao động trong quá trình nghiên cứu còn quá lệ thuộc vào nguồn tài liệu tiếng Việt do các nhà nghiên cứu trong nước biên soạn hoặc dịch lại từ nguyên bản tiếng Anh, Pháp… Vì vậy, tính thiết thực của tài liệu sử dụng giảm đi rất nhiều và nội dung các công trình nghiên cứu vì thế cũng chưa thực sự phong phú.

 

 

Từ những khó khăn, hạn chế kể trên, tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, toàn diện, đồng bộ liên quan đến hoạt động nghiên cứu và viết SKKN của Nhà trường. Đây là cơ sở để lãnh đạo Nhà trường xem xét, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu và viết SKKN trong thời gian tới.

 

 

       Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ, hướng dẫn về cách xây dựng và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như những ví dụ cụ thể trong thực tiễn của PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm – Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa Bộ Công thương; chia sẻ về cách xây dựng và kỹ năng trình bày sáng kiến kinh nghiệm của TS. Ngô Mạnh Dũng – Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐHQG TPHCM. Với sự hướng dẫn, chia sẻ của các chuyên gia, hy vọng viên chức, người lao động Nhà trường sẽ được tiếp thêm động lực, cảm hứng để thử sức mình với những đề tài nghiên cứu thú vị, sáng tạo và nhiều dấu ấn.

 

 

 

 

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã khép lại thành công với những ý kiến đóng góp quý báu, trao đổi hết sức thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả. Hội thảo sẽ là tiền đề, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu và viết SKKN của Trường Cao đẳng Công thương TPHCM trong thời gian tới.

 

Tin bài, hình ảnh: TT