Giảng viên trường CĐ Công Thương Tphcm đạt giải nhất tại cuộc thi thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN toàn quốc năm 2021

Ngày đăng: 18/11/2021

Vượt qua nhiều sản phẩm dự thi, thầy Phạm Văn Mạnh - giảng viên khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Công thương TPHCM đã giành giải nhất của cuộc thi.

 

 

 

Ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng GDNN, sở LĐTBXH TPHCM tặng hoa chúc mừng Nhà trường và cá nhân Thầy Phạm Văn Mạnh

 

Cuộc thi được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức với mục đích thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa, thu hút sự quan tâm của Bộ, ngành, địa phương, khuyến khích nhà giáo và cơ sở GDNN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào thiết kế, tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực dạy học trực tuyến của đội ngũ nhà giáo và tôn vinh trí tuệ, công sức của nhà giáo, cơ sở GDNN tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học trực tuyến, đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT, dữ liệu và tài nguyên số dùng chung, chia sẻ trong toàn ngành GDNN. Đây là một hoạt động chuyên môn của Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt nam 20/11.

 

Cuộc thi được tổ chức theo 03 vòng thi: Vòng thi cấp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Vòng sơ loại toàn quốc và Vòng chung kết toàn quốc. Bài giảng trực tuyến tham dự Cuộc thi là bài tích hợp thuộc chương trình, mô đun mà nhà giáo được phân công giảng dạy và có thời gian từ 1 đến 2 giờ dạy thực tế trên lớp. Bài giảng trực tuyến dự thi được cấu trúc trên nền tảng Moodle hoặc Google Classroom. Bài giảng được kết cấu và đánh giá theo 07 cấu phần tối thiểu bao gồm giới thiệu, nội dung bài giảng, luyện tập - vận dụng, kiểm tra - đánh giá, tương tác với người học, tài liệu tham khảo và đa phương tiện. Trải qua vòng thi cấp Sở LĐTBXH và vòng sơ loại toàn quốc, bài giảng trực tuyến của thầy Phạm Văn Mạnh đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc và nhận giải nhất chung cuộc.

 

Đây là kết quả rất đáng khích lệ cho những nỗ lực, tinh thần làm việc hết mình, không ngừng học hỏi, tìm tòi nghiên cứu của thầy cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường. Ngay khi dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, Nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, mô-đun phù hợp; khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm sinh viên theo khoa/khóa học trên website của trường hoặc các trang mạng xã hội; thường xuyên giữ liên lạc với sinh viên để cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn học tập trong điều kiện không học tập trung tại trường.

 

Với những kết quả đạt được đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng, kịp thời trong đào tạo trực tuyến tại Trường Cao đẳng Công thương TPHCM. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát và ngày càng trở nên phức tạp, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để Nhà trường chủ động biến thách thức thành cơ hội đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện. Nhà trường đã tự xây dựng được hệ thống quản lý dạy học trực tuyến dựa trên nền tảng moodle từ rất sớm và áp dụng thành công mô hình này. Thông qua việc số hóa kinh nghiệm học tập, cả giáo viên và sinh viên đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung: tạo ra một quy trình giáo dục hấp dẫn và hiệu quả hơn.

 

Tổ truyền thông